Trung thu là ngày của tết đoàn viên, ngày của tình cảm gia đình. Cũng giống như những dịp lễ tết khác, tết trung thu cũng gắn liền với những món ăn đặc trưng không thể nào thiếu nếu muốn trọn vẹn. Và trong bài viết hôm nay, hãy cùng ôn lại các món ăn trung thu luôn sống mãi với thời gian của gia đình Việt nhé!
Các món ăn trung thu đặc trưng tại Việt Nam
Xôi cốm
Mỗi dịp thu đến lại gợi nhớ cho chúng ta về hương vị cốm thơm dịu nhẹ với những hạt cốm xanh mướt. Và chắc hẳn cũng rất nhiều bạn biết đến món xôi cốm nóng hổi, dẻo thơm, ngọt dịu. Xôi cốm được chế biến từ 3 nguyên liệu chính gồm đậu xanh, cốm non và dừa nạo. Dừa được tẩm với đường trắng, xào trên lửa nhỏ. Đậu xanh ngâm nửa ngày, hấp chín 25 phút, sau đó đem nghiền nát và trộn với cốm non. Công đoạn đồ xôi tiếp theo đòi hỏi sự khéo léo của người chế biến, làm sao hạt xôi giữ được vị bùi của đậu xanh. Món xôi cốm ngon phải đảm bảo được 3 tiêu chí: độ bùi của hạt đậu xanh, vị thơm của cốm non và độ béo của dừa nạo.
Các món ăn trung thu: Gỏi bưởi
Ngày tết trung thu với nhiều món ăn ngon, trong đó mâm cỗ không thể thiếu món gỏi bưởi; vừa ngon lại dân dã, ăn kèm cùng các loại thức ăn khác thì thật tuyệt vời. Nếu những món ăn chứa nhiều tinh bột của mâm cơm ngày tết trung thu khiến bạn dễ ngán; thì gỏi bưởi chính là điểm nhấn của mâm cơm đấy! Những múi bưởi mọng nước được tách ra, xé tơi, trộn với tôm sú luộc, thịt ba chỉ thái mỏng; thêm hỗn hợp nước trộn gỏi chua cay, mặn ngọt cực kỳ hấp dẫn. Món ăn đủ vị này sẽ kích thích giác quan, khiến bữa tiệc trung thu thêm hấp dẫn hơn.
Canh khoai môn
Món canh khoai môn ngày nay cũng khá phổ biến vào dịp tết trung thu; nhờ hương vị thơm ngon mà công đoạn thực hiện lại đơn giản. Canh khoai môn thường được nấu với xương heo, sườn non, thịt gà,… Theo quan niệm dân gian, ăn khoai môn có tác dụng diệt ác, trừ tà và tôn sùng cái thiện. Do đó, nhiều người tin rằng ăn khoai môn vào dịp tết trung thu sẽ giúp mọi điều tốt đẹp, vụ mùa bội thu và thuận lợi quanh năm. Ngày nay, dù quan niệm ấy có phần hơi lỗi thời; nhưng nhiều gia đình vẫn dùng canh khoai môn như một truyền thống của ngày rằm tháng 8. Vì chúng có những tác động tốt với sức khỏe như giúp chống táo bón, nhuận tràng; nhờ chứa nhiều chất xơ và vitamin.
Các món ăn trung thu: Chè trôi nước
Chè trôi nước chính là món ăn trung thu đầy ý nghĩa, món ăn của tình cảm đoàn viên; chắc chắn không thể thiếu trong ngày này. Được làm từ nước cốt dừa béo ngậy, phần vỏ ngoài dẻo dai mang màu sắc từ rau quả tự nhiên cùng phần nhân ngọt ngào, mịn màng từ đậu xanh. Nguyên liệu làm chè trôi nước cũng rất đơn giản bao gồm: bột nếp, đậu xanh, dừa, gừng, đường, đậu phộng,… Một chút mùi thơm cay của gừng cùng vị ngọt lịm của nước đường sẽ khiến gia đình bạn yêu món bánh trôi nước ngay từ lần trải nghiệm đầu tiên.
Các món ăn trung thu tại các quốc gia châu Á
Nói đến món ăn trong dịp tết trung thu, không thể không nhắc đến bánh trung thu. Hãy cùng vòng quanh châu Á xem các nước có những món bánh trung thu hấp dẫn như thế nào nhé!
XEM THÊM: Nguồn gốc, sự khác biệt của bánh Trung thu truyền thống và hiện đại
Món ăn tết trung thu tại Việt Nam và Trung Quốc
Bánh trung thu Việt Nam có 2 loại là bánh nướng và bánh dẻo. Vỏ bánh dẻo màu trắng, làm bằng bột nếp trộn với đường; vỏ bánh nướng là bột mì dậy men trộn với trứng gà và rượu rồi nướng vàng ươm. Bánh trung thu cổ truyền Việt Nam thơm ngon, hấp dẫn với phần nhân thập cẩm gồm: hạt sen, thịt mỡ, vừng, lạp sườn, đậu xanh, lá chanh quyện vào nhau; tạo nên hương vị ngọt ngào, thơm ngậy.
Bánh trung thu của Việt Nam và Trung Quốc thường có hình tròn, tượng trưng cho hình trăng tròn ngày rằm; cho sự đoàn viên, khát vọng về hạnh phúc. Hiện nay, bánh trung thu có nhiều hình dạng hơn như hình vuông và được làm bằng nhiều nguyên liệu mới lạ, hấp dẫn hơn.
Món ăn tết trung thu tại Hàn Quốc và Nhật Bản
Songpyeon là tên gọi bánh trung thu ở Hàn Quốc, nghĩa là bánh gạo hình bán nguyệt. Bánh Songpyeon được làm bằng cách trộn bột gạo với nước nóng. Sau đó, nhồi bột và bánh với nhân đậu xanh, mè đen, hạt dẻ hoặc các loại nhân khác rồi hấp chín. Bánh Songpyeon chín sẽ được xếp lên lớp lá thông tươi để giữ nguyên hình dạng bánh, đồng thời tạo hương vị lạ. Ngoài màu trắng truyền thống, bánh còn được biến tấu với nhiều màu sắc đẹp mắt: màu hồng từ quả dâu, xanh đậm từ ngải cứu, vàng từ bí đỏ,… Bánh thành phẩm dẻo, dai, ngọt thanh, nhẹ nhàng và mang hương vị của lá thông tươi.
Bánh Trung thu ở Nhật Bản là Tsukimi Dango (thường gọi là Dango) – món ăn trung thu làm từ bột gạo, khá giống bánh gạo mochi. Có nhiều hình dạng khác nhau, nhưng phổ biến nhất là hình tròn. Vào dịp Trung thu, bánh Tsukimi Dango được xếp chồng lên nhau như hình tháp trên một kệ gỗ. Mỗi “tháp bánh” có khoảng 15 chiếc.
Lời kết
Hy vọng bài viết này đã đem lại nhiều kiến thức bổ ích và thú vị đến với bạn. Nhân dịp tết trung thu, hãy ôn lại kỷ niệm và đồng thời lưu giữ nó cho thế hệ mai sau. Ngày này chính là ngày của đoàn viên, sum họp; nếu bạn có cơ hội về với cha mẹ, hãy nấu cho các bậc sinh thành những món ăn thật ngon để tỏ lòng biết ơn nhé!
>>> XEM THÊM: Những câu chuyện thú vị về sự tích trung thu có thể bạn chưa biết