Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người được cả nhân dân Việt Nam và thế giới ngưỡng mộ và tôn sùng. Bác đã xây dựng và lãnh đạo quân đội ta chiến đấu anh dũng và giành được chiến thắng, mang lại độc lập tự do cho đất nước. Sắp tới là kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Bác Hồ; hãy cùng tìm hiểu về ngày này qua bài viết này nhé.
Bác Hồ sinh vào ngày nào, ở đâu?
Ngày tháng năm sinh của Bác Hồ
Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung; khi đi học là Nguyễn Tất Thành; nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều tên khác) sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 ở Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Bác mất vào ngày 2 tháng 9 năm 1969 tại Hà Nội.
Những suy nghĩ về ngày sinh của Bác Hồ
Bác vẫn luôn từ chối việc tổ chức mừng sinh nhật mình. Năm 1949, Bác có bài thơ ”Không đề” trả lời ý kiến một số cán bộ đề nghị tổ chức sinh nhật mình:
“Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già
Chờ cho kháng chiến thành công đã
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”
Những lần sinh nhật khác cũng thường chỉ là những lời chúc mừng và cảm ơn; một ít kẹo bánh mời người đến trực tiếp gặp Bác. Cho đến năm 1965 trong tháng sinh nhật mình Bác đã bắt đầu viết Di chúc thì kỷ niệm Ngày sinh của Bác cũng được tổ chức gọn nhẹ nhưng đầy ý nghĩa. Dịp sinh nhật của Người năm 1969 cũng diễn ra giản dị và đầm ấm như mọi lần; chỉ là không ai ngờ được đó là ngày sinh nhật cuối cùng của Bác.
Ngày Bác Hồ sinh ra được tổ chức lần đầu tiên khi nào?
Sinh thời, Bác nổi tiếng là người sống giản dị, khiêm tốn; không thích phô trương và đặc biệt là nịnh bợ. Phải đến tận tháng 5/1946, lần đầu tiên toàn dân Việt Nam mới được biết đến ngày sinh của Bác Hồ. Theo Hồi ký “Tháng Tám cờ bay” của cụ Vũ Đình Huỳnh – nguyên Thư ký riêng của CT. Hồ Chí Minh và của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – nhân chứng lịch sử chứng kiến buổi lễ kỷ niệm ngày sinh nhật lần đầu tiên của Bác đăng trên báo Văn nghệ tháng 10/1993.
“…Sáng 18 tháng 5, Bác bước vào phòng tôi, bảo:
– Này, chú thông báo cho các vị trong Chính phủ biết ngày mai sinh nhật tôi. Đừng quên gọi các cháu thiếu nhi đến chơi với tôi nhé!
Tôi sửng sốt nhìn Bác. Con người rất mực khiêm tốn, thế mà đùng chỉ thị cho tôi tổ chức sinh nhật cho chính mình? Tôi toan hỏi Bác, nhưng Bác đã quay ra. Dừng lại ở cửa, Bác dặn thêm:
– Báo cho các anh ở Trung ương và các đoàn thể biết luôn mai kỷ niệm sinh nhật tôi.
Tôi gọi đây nói đi các nơi bàn về việc tổ chức sinh nhật Bác. Những nơi cần báo mà không có dây nói thì phải cử người đi đến tận nơi. Mọi người cằn nhằn với tôi về chuyện nước đến chân mới nhảy. Anh Trường Chinh cho rằng tôi đã được biết sinh nhật Bác mà không nói trước. Tuy nhiên, rồi người nọ báo thêm cho người kia, cho nên cả những người tôi quên rồi cũng được biết vào chiều ngày 18.
Hôm sau, cả Hà Nội sáng lên màu cờ, biểu ngữ nói lên ý chí giành độc lập và chúc mừng Bác. Nhìn ra ngoài đường, tôi thấy anh em thợ điện tíu tít bắc thang chăng đèn kết hoa. Lễ mừng sinh nhật Bác được tổ chức vào tối hôm đó, tại Bắc Bộ phủ. Không khí ngày hội chảy tràn trên phố phường, tới tận hang cùng ngõ hẻm. Từng đoàn người biểu tình tuần hành trên các đường trung tâm hô vang khẩu hiệu chúc thọ Bác và các khẩu hiệu cách mạng khác. Các cháu thiếu nhi ăn mặc quần áo đẹp, gõ trống ếch ca hát quanh Bắc Bộ phủ.
Cũng ngày hôm đó, vào buổi tối, tôi có nhiệm vụ phải tổ chức đón tiếp Cao uỷ Đác-giăng-li-ơ và ông Xanh-tơ-ni, cũng tại Bắc Bộ phủ. Đác-giăng-li-ơ từ Hải Phòng lên, Xanh-tơ-ni ở sẵn Hà Nội, hai người sẽ tới chào xã giao Hồ Chủ tịch. Thì ra Bác đã tính toán trước tất cả. Nếu họ tới mà không có sự đón tiếp nồng nhiệt thì không ra sao, sẽ có hại cho mối quan hệ vốn dĩ đã căng thẳng. Nhưng nếu phải đón tiếp họ tưng bừng thì mình lép vế quá. Thế là ngày sinh nhật Bác được thông báo.
Đác-giăng-li-ơ và Xanh-tơ-ni tới Bắc Bộ phủ với gương mặt rạng rỡ. Chắc hẳn ông đô đốc nghĩ rằng không khí hội hè ở Hà Nội mà ông thấy là dành cho ông. Ở Bắc Bộ phủ, họ gặp nhiều quan chức cao cấp của Chính phủ Việt Nam hơn là trong một cuộc đón tiếp bình thường; có cả các cháu thiếu nhi vẫy cờ và hoa. Cuộc thăm viếng xã giao vô hình chung biến thành cuộc đến chúc mừng nhân ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều mà tôi tin là đối với Bác, ngày sinh của mình cũng phải là một ngày phục vụ được lợi ích của cách mạng…”.
Xem thêm: Ngày 7 tháng 5 năm 1954 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ