“Dù ai đi ngược về xuôi – Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3”
Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam bao thế hệ. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng – nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Cùng tìm hiểu cụ thể về lễ hội đền Hùng mùng 10 tháng 3 có ý nghĩa gì nhé!
Giỗ tổ hùng vương mùng 10 tháng 3 năm 2021 vào ngày bao nhiêu?
Mùng 10 tháng 3 Âm lịch năm nay (2021) rơi vào thứ 4 (ngày 21/4/2021 dương lịch). Do đó, cán bộ, công viên chức, người lao động chỉ được nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày duy nhất (hưởng nguyên lương) mà không được nghỉ bù, hoán đổi ngày nghỉ; hay nghỉ kèm ngày nghỉ cuối tuần.
Tìm hiểu về lễ hội đền Hùng mùng 10 tháng 3
Nguồn gốc giỗ Tổ mùng 10 tháng 3
Truyền thuyết kể rằng, Tổ Phụ Lạc Long Quân lấy Tổ Mẫu Âu Cơ sinh ra 100 con; 50 con theo Cha xuống biển, 50 con theo Mẹ lên núi; và con cả được truyền ngôi lấy hiệu là Hùng Vương. Thường nhắc đến giỗ Tổ nghĩa là giỗ Tổ Hùng Vương. Nhưng niên hiệu lập quốc là năm 2879 tr.CN, thời Kinh Dương Vương, người sáng lập ra họ Hồng Bàng.
Kinh Dương Vương lấy Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Hùng Vương là cháu đích tôn của Kinh Dương Vương. Vì vậy phải là giỗ Tổ Kinh Dương Vương. Trong thời khai quốc, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương đều là những Tổ Phụ quan trọng của nòi giống Lạc Hồng. Giỗ Tổ vì thế nên cũng nhớ đến các Tổ Phụ Tổ Mẫu thời khai quốc; không nên chỉ nhớ đến Hùng Vương không mà thôi.
Xem thêm: Nguồn gốc ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 Âm lịch
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương xuất hiện từ khi nào?
Theo những tài liệu còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử; cách đây hơn 2000 năm. Dưới thời Thục Phán – An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh; ghi rõ: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương; xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”.
Trong suốt nghìn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay từ khi lên ngôi đã từng bước xác lập “ngọc phả” về thời đại Hùng Vương; khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước
Lễ hội đền Hùng ở đâu
Lễ được tổ chức hằng năm vào mùng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng – Việt Trì – Phú Thọ. Đến hẹn lại lên, đến ngày này người dân khắp nơi trên mọi miền đất nước; và cả những Kiều bào nước ngoài quy tụ về đây; để tưởng nhớ công ơn các vị vua chiến công lẫy lừng dân tộc.
Lễ hội đền Hùng có ý nghĩa gì?
Giỗ tổ Hùng Vương không phải chỉ đề cao niềm tự hào dân tộc; mà còn nhắc nhở chúng ta phải tìm hiểu thấu đáo bản sắc dân tộc, cội nguồn của tổ tiên. Qua đó mỗi người không ngừng học tập, rèn đức luyện tài để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng với công lao của các thế hệ anh hùng dân tộc, với tổ tiên ta ngày trước.
Giỗ tổ Hùng Vương là dịp để chúng ta nhìn nhận lại những biến cố của đất nước qua các thời kỳ; đồng thời đặt ra những nhiệm vụ mới cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước. Trải qua các thời kỳ thăng trầm khác nhau và để có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ công lao vĩ đại của cả một dân tộc anh hùng.
Chúng ta tự hào là con Rồng cháu Tiên, là con cháu của các vị vua Hùng đã gây dựng nên đất nước Văn Lang, Âu Lạc; và đánh thắng giặc ngoại xâm làm nền móng cho nước Việt Nam ngày nay. Đó là những ngày đầu hoang sơ nhất mở ra một thời kỳ lịch sử huy hoàng cho dân tộc ta. Chúng ta phải ghi nhớ công lao to lớn đó và không ngừng học tập, đóng góp cho xã hội; cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển; để sánh vai với các cường quốc năm châu.
Xem thêm: Lịch nghỉ 30/4 và 1/5 năm 2021 cập nhật mới nhất cho người lao động