Tết Nguyên đán là dịp lễ truyền thống lớn nhất trong năm của người dân Việt Nam. Đây là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đây là khoảng thời gian nhộn nhịp và ấm áp nhất của cả một năm. Bên cạnh những điều đó thì ý nghĩa của Tết Nguyên đán cũng rất lớn, tìm hiểu ngay trong bài viết này bạn nhé.
Nguồn gốc Tết Nguyên đán
Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) là dịp lễ đầu năm âm lịch quan trọng và có ý nghĩa nhất ở Việt Nam; cùng với văn hóa Tết Âm lịch của các nước Đông Á. Trước ngày Tết, người Việt có các phong tục như “cúng Táo Quân” (23 tháng chạp âm lịch) và “cúng Tất Niên” (29 hoặc 30 tháng Chạp âm lịch).
Vì Tết tính theo Âm lịch nên Tết Nguyên Đán của Việt Nam muộn hơn Tết Dương lịch (hay Tết Tây). Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch; Tết ta thường rơi vào giữa những ngày này. Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).
Theo văn hóa Đông Á – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khí khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc “giao thừa”) trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán. Sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán.
Ý nghĩa Tết Nguyên đán
Tết là dịp sum họp, là ngày đoàn viên
Tết Nguyên Đán là một dịp nghỉ lễ dài nhất trong năm. Mọi người tạm gác lại công việc chính để dành thời gian về quê thăm gia đình; cùng sum họp, đoàn viên bên nhau sau một năm dài xa cách.
Trở về nhà để quây quần bên bữa cơm gia đình; để chia sẻ cùng nhau giây phút dọn nhà đón tết. Đó thật sự là những khoảnh khắc ấm áp và ý nghĩa của mỗi người con xa quê mới cảm nhận được vào dịp xuân về.
Ngày Tết Nguyên Đán là cơ hội để mọi người thể hiện sự yêu thương nhau; những lời chúc chân thành, tốt đẹp nhất cho nhau. Vào những ngày này, người lớn thường hạn chế la rầy trẻ em; hạn chế cãi vả nhau để tạo nên một không gian thuận hòa, gần gũi trọn vẹn nhất. Những hiềm khích, mâu thuẫn tạm gác lại; thay bằng những lời thân thương, ấm lòng nhau nhằm tạo cho nhau sự thiện cảm, chan hòa cho cả một năm mới đến.
Ngày rước tài rước lộc
Nhiều người quan niệm đây là dịp Thần Tài gõ cửa từng nhà để ban tiền tài, thịnh vượng và sung túc. Đây là dịp để mọi người tranh thủ mở rộng cửa rước tài lộc vào nhà; rước những điều may mắn, tốt đẹp, giàu có nhất từ ông Thần Tài.
Ý nghĩa Tết Nguyên đán: là ngày may mắn, ngày của sự đổi mới, lạc quan và hy vọng
Nhiều người cho rằng những ngày đầu năm thường là những ngày may mắn, tốt đẹp. Sự may mắn ấy hòa quyện với những cánh hoa mai, hoa đào; hòa với những chiếc lá non xanh; hòa trên những mâm ngũ quả ngày Tết.
Tết là ngày khởi đầu cho một năm mới; tạm biệt một năm cũ qua đi. Vì vậy mọi người thường khoác cho nhà cửa, tâm hồn mình thật ngăn nắp để sẵn sàng chào đón một năm mới đến. Những gì không may mắn, những điều xui xẻo của năm cũ sẽ qua đi; để đón nhận những điều may mắn lạc quan trong năm mới.
>>>Xem thêm: Tết dương lịch đi đâu chơi cho dân Sài Gòn?
Tết Nguyên đán còn là ngày cầu duyên
Trong suy nghĩ của rất nhiều người, ngày Tết cũng chính là ngày ông Tơ bà Nguyệt; ông Mai bà Mối sẽ se duyên cho những người còn đang độc thân, lận đận trong chuyện tình cảm. Bởi thế mà ngày Tết luôn là ngày ngày cầu duyên; nên duyên và ghép đôi tại nhiều nơi. Chính vì vậy mà nhiều người đã chọn đi lễ, chùa đầu năm để cầu duyên cho mình.